Câu tục ngữ muốn thể hiện kinh nghiệm trồng lúa nước nói riêng và sản xuất nông nghiệp nói chung. “Nước”, “phân”, “cần” và “giống” là 4 yếu tố quan trọng, không thể thiếu khi canh tác, trồng trọt. Đây là 4 yếu tố bổ trợ cho nhau và không thể tách rời.
Nhất nước: Để canh tác, chúng ta phải có nguồn nước tưới tiêu. Nước là yếu tố quan trọng nhất, được ông cha ta đặt lên hàng đầu. Tương tự như việc chúng ta ăn uống hằng ngày để có năng lượng sống, nước chính là thứ mà cây trồng cần nhất.
Nhì phân: Thực tế, chỉ nước thôi là không đủ để cung cấp chất dinh dưỡng giúp cây trồng phát triển, chống lại sâu hại và dịch bệnh. Tuy nhiên, phân bón phải được bón đúng loại, đúng liều lượng, đúng thời vụ thì mới cho ra được kết quả tốt. Đồng thời, chúng ta cũng không được lạm dụng quá nhiều thuốc bảo vệ thực vật, thuốc trừ sâu hay là thuốc tăng trưởng để kích thích cây trồng. Điều đó sẽ làm ảnh hưởng đến chất lượng và sức khỏe của người tiêu dùng.
Tam cần: Tiếp theo là “cần” trong cần cù, cần mẫn, chuyên cần. Tức là cần phải có sức lao động và sự chăm sóc kỹ càng, tỉ mỉ của người nông dân thì cây trồng mới có thể phát triển, cho kết quả tốt. Mở rộng ra, yếu tố lao động còn cần có chuyên môn và kinh nghiệm, lao động có kỹ thuật càng cao thì kết quả cho ra càng chất lượng.
Tứ giống: Cuối cùng là hạt giống. Chất lượng hạt giống ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng cây trồng sau này. Hạt giống có khỏe thì cây mới có điều kiện để phát triển. Người nông cần cần phải dựa trên yêu cầu và mục đích của mình để tiến hành chọn lựa hạt giống sao cho phù hợp.